Chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người cao tuổi
Khi càng lớn tuổi thì sức khỏe răng miệng của người lớn tuổi càng có nhiều vấn đề hơn nếu không được chăm sóc đúng cách. Người cao tuổi thường có nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng cao, việc chăm sóc răng miệng cần được chú ý. Theo các bác sĩ chuyên môn, dù là còn răng hay mất răng, người cao tuổi cũng nên đi khám răng định kỳ 3-6 tháng/ lần, để phát hiện và điều trị sớm các bệnh về răng nếu có. Dưới đây là cách chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người cao tuổi.
1. Dinh dưỡng hợp lý
Đối với người cao tuổi các loại rau và trái cây tươi là nguồn cung cấp nhiều sinh tố cho cơ thể nói chung, cho răng và lợi nói riêng và có tác dụng làm sạch răng sau khi ăn.
Thời điểm ăn trái cây tươi tốt nhất là trước bữa ăn chính một tiếng đồng hồ vì chúng là đồ ăn sống.
Nên ăn trái cây tươi thay cho các loại bánh ngọt. Chỉ nên ăn bánh ngọt vào bữa chính và đánh răng ngay sau đó.
Người cao tuổi thường ăn ít và chia làm nhiều bữa nhỏ. Vì vậy, sau mỗi lần ăn, phải súc miệng và chải răng ngay, không để thức ăn lưu lại trên răng và lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi dẫn đến sâu răng.
Chế độ ăn nên ăn đủ các chất như: Đạm (có trong: thịt, trứng, tôm, cua, sữa, đậu phụ); các vitamin (trái cây); muối khoáng; chất béo thực vật, hạn chế tối đa ăn mỡ và phủ tạng động vật.
2. Phòng bệnh nha chu
Nguyên nhân gây ra bệnh nha chu là do mảng bám vi khuẩn hay khói thuốc lá bám quanh răng, nếu vệ sinh không kỹ, mảng bám sẽ dày dần và gây viêm nướu. Người cao tuổi khi bị bệnh nha chu sẽ có các biểu hiện như lợi sưng, chảy máu lợi, lợi có túi mủ chứa nhiều vi khuẩn, miệng hôi.
Để phòng bệnh nha chu cần vệ sinh răng miệng thật kỹ càng. Đánh răng ít nhất ngày 2 lần/ 1 ngày, súc miệng sau khi ăn xong và sử dụng chỉ tơ để làm sạch kẽ răng, ăn những thức ăn mềm.
3. Làm răng giả thay thế những răng đã mất
Dù răng bị mất vì bất cứ lý do gì, thì người cao tuổi cũng nên đến nha sĩ để khám và phục hình răng sau đó 1 tháng. Nếu để lâu, các răng sẽ bị xô lệch, làm mất khoảng trống của răng đã mất, đồng thời gây xáo trộn khớp cắn, khó chải sạch răng.
Khi đã có răng giả, nên chăm sóc chúng thật kỹ, chải răng hằng ngày như răng thật. Nếu dùng răng giả kiểu tháo lắp, nên tháo ra lúc nghỉ ngơi hoặc đi ngủ để niêm mạc ở hàm được thoáng, máu lưu thông dễ dàng. Hàm giả tháo ra nên được vệ sinh sạch sẽ, ngâm vào một ly nước nguội có nắp đậy, tốt nhất là ly thủy tinh.
4. Đánh răng quan trọng hơn súc miệng
Sau mỗi lần ăn, phải súc miệng và chải răng ngay, không để thức ăn lưu lại trên răng và lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn trong miệng lên men, tạo ra chất axit phá hủy men răng, dẫn đến sâu răng; không nên dùng tăm quá nhiều vì dễ gây mòn cổ răng và khi xỉa tăm nên cẩn thận vì khi đâm vào lợi dễ gây viêm lợi, sưng đau.
Đánh răng quan trọng hơn bất kỳ loại nước súc miệng nào. Bạn không thể thay thế đánh răng bằng súc miệng trong 4 phút để giữ cho răng khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bị sâu răng, bạn nên kết hợp sử dụng nước súc miệng chứa florua và kem đánh răng.
5. Thay đổi chế độ ăn uống
Cả canxi và vitamin D là những chất dinh dưỡng mà nhiều người lớn tuổi bị thiếu. Sự thiếu hụt của một trong hai dưỡng chất trên có thể gây chứng loãng xương, do đó có thể làm tăng nguy cơ bị mất răng. Bên cạnh việc bổ sung cả canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống, người cao tuổi cần lưu ý giảm lượng đường. Ăn quá nhiều đường với thói quen đánh răng kém có thể nhanh chóng dẫn đến các bệnh về răng.
6. Đến bác sỹ nha khoa theo định kỳ
Người cao tuổi nên đến nha sĩ định kỳ 6 tháng một lần để phòng ngừa các vấn đề sức khoẻ răng miệng nghiêm trọng tiềm ẩn. Đặc biệt, khi đeo răng giả, cần thường xuyên đến nha sỹ để kiểm tra phòng tránh bệnh nướu răng. Ngoài ra, nha sĩ sẽ sớm phát hiện bệnh ung thư miệng. Ung thư miệng khá hiếm gặp, nhưng tỷ lệ mắc cao nhất ở những người 60 tuổi.
Nguồn : giadinh.net.vn
|