Chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi bị bệnh tim mạch
Khi tuổi càng lớn thì tỉ lệ mắc các bệnh về tim mạch càng cao. Một trong những nguyên nhân chính đó là do chế độ ăn uống không hợp lý dẫn đến tích tụ mỡ gây ra những những căn bệnh tim mạch nguy hiểm.
• Tránh ăn quá no
Người ở độ tuổi 65 lưới tuần hoàn ở hệ thống gan giảm 40 - 45% so với người 25 tuổi. Việc ăn quá no tạo sự căng thẳng, gánh nặng quá tải cho hệ tuần hoàn đang suy giảm của người bệnh. Bản thân dạ dày căng sau bữa ăn no cũng cản trở về mặt cơ học lên hoạt động tuần hoàn, hô hấp... có thể gây ra những hậu quả lớn ở người đang mắc bệnh tim mạch. Hơn nữa ăn nhiều, ăn quá no còn gây béo phì, do đó người cao tuổi nên ăn vừa phải, chia thành nhiều bữa nhỏ (4-5 bữa/ngày), tránh ăn quá no trong một bữa.
• Giảm đường và muối trong bữa ăn
Nhiều nghiên cứu cho thấy đường có liên quan đến sự phát triển bệnh xơ vữa động mạch do gia tăng tích tụ mỡ, béo phì,... cũng như muối ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhân tăng huyết áp, suy tim.
Do đó, người cao tuổi, đặc biệt người mắc bệnh tim mạch cần phải hạn chế muối và đường trong khẩu phần ăn. Không ăn nhiều bánh, kẹo, nước ngọt,.. không ăn các loại khô, mắm mặn, dưa muối…
• Ăn nhiều đậu, mè, đậu phộng và cá
Người có tuổi hấp thu đạm giảm, khả năng tổng hợp đạm ở gan cũng kém hơn lúc trẻ nên dễ xảy ra thiếu đạm. Đậu, mẻ, đậu phộng nhiều đạm dễ hấp thu và chứa chất béo tốt cho cơ thể, trong đó có các acid béo không no như linoleic rất quan trọng trong phòng chống tăng cholesterol.
Người cao tuổi nên ăn nhiều món ăn từ đậu tương như tàu hũ, tương, sữa đậu nành, tào phớ... nên ăn thêm mè, đậu phộng và ăn cá tối thiểu 3 bữa mỗi tuần. Các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá thu, ngừ... nhiều đạm và acid béo không no (omega 3) tốt cho hệ tim mạch, dầu cá có tác dụng giảm triglycerid, giảm nguy cơ đột tử do tim.
• Hạn chế thức ăn nhiều chất béo
Sử dụng thịt cá nạc, loại bỏ tất cả những phần mỡ nhìn thấy trước khi chế biến và lượng mỡ được tạo ra trong quá trình đun nấu. Không ăn nước xào, nước ninh xương ống, nước luộc thịt... Không ăn da, đầu, cổ, cánh, chân của các loại gia cầm, phủ tạng động vật... Nên chế biến thức ăn bằng hấp luộc hơn là chiên, quay... dùng dầu thực vật, nhưng cũng phải hạn chế. Không ăn quá 2-3 quả trứng trong một tuần và phải cách ngày.
• Bổ sung chất xơ, vitamin và chất khoáng
Chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lức, bắp lức, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp. Các loại rau củ và trái cây chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe là các flavonoid, các chất này hoạt động như các chất chống ôxi hóa và có thể giảm nguy cơ viêm nhiễm, ngăn ngừa bệnh tim mạch.
• Hạn chế rượu, bia, thuốc lá
Y học đã chứng minh việc nghiện rượu, bia có ảnh hưởng rất xấu đối với sức khỏe nói chung và bệnh tim mạch nói riêng. mạch, Rượu gây tổn thương cơ tim, tăng kích thước tim, giảm khả năng đẩy máu của tim, gây suy tim.
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với bệnh mạch vành. Hút thuốc lá không những gây tổn thương màng trong các động mạch mà còn gây tăng nhịp tim và huyết áp, tăng nhu cầu oxy của các cơ tim. Các oxít cacbon do hút thuốc lá sinh ra làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu. Hút thuốc lá còn là nguồn sản sinh ra các gốc tự do, tăng độ kết dính của tiểu cầu và làm giảm các lipoprotein có lợi (HDL - High Density Lipoprotein).
• Uống nước theo nhu cầu của cơ thể
Cần uống nước với lượng vừa phải mà cơ thể chấp nhận được, nhất là với bệnh tim hay bệnh thận. Đối với một người khỏe mạnh, khi uống nhiều nước, tim và thận phải tăng hoạt động để thải bớt nước ra ngoài để giữ sự cân bằng trong cơ thể.
Ngược lại, ở người đã có bệnh tim hay bệnh thận, hai cơ quan này không còn hoạt động tốt nên nước sẽ bị giữ lại trong cơ thể gây ra triệu chứng khó thở, phù, thậm chí còn gây ra tình trạng "ngộ độc nước", biểu hiện qua triệu chứng lơ mơ, hôn mê.
Nguồn: Internet, giadinhnet
|