5 bí quyết dinh dưỡng giúp người cao tuổi khỏe mạnh
Chế độ ăn cân bằng các nhóm thực phẩm cùng thói quen ăn uống điều độ, đúng lượng và đúng lúc tốt cho sức khỏe người cao tuổi.
Người xưa có câu: "Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất", ý chỉ bệnh từ miệng mà ra, khỏe cũng từ miệng mà vào. Chế độ dinh dưỡng quyết định phần lớn sức khỏe, đặc biệt là ở người cao tuổi. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp người cao tuổi thiết lập được chế độ ăn uống lành mạnh.
• Ăn uống điều độ, khẩu phần hợp lý
Khi có tuổi, bộ máy tiêu hóa của con người hoạt động yếu đi, quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thụ dinh dưỡng cũng chậm lại. Do đó, người cao tuổi cần giảm áp lực cho bộ máy tiêu hóa bằng cách ăn điều độ, đúng bữa. Tránh ăn lúc tối muộn vì khi đó hệ tiêu hóa làm việc càng chậm, dạ dày hoạt động vất vả gây khó ngủ. Người cao tuổi không nên ăn quá no, chỉ ăn vừa đủ và tốt nhất là nên chia thành nhiều bữa nhỏ, khoảng 4-5 bữa trong ngày để tránh tình trạng khó tiêu, đầy hơi.
• Tránh thức ăn khó tiêu, chất kích thích
Răng và hệ tiêu hóa của người cao tuổi thường hoạt động kém, vì vậy cần tránh ăn các thức ăn cứng và khó tiêu. Thức ăn nhiều dầu mỡ và thực phẩm chứa chất kích thích là điều gần như kiêng kị. Bởi dầu mỡ là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp… Còn các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê… làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như ung thư, đột quỵ, tiểu đường.
• Cân bằng đạm động vật và thực vật
Đạm là nhóm chất cần thiết giúp cơ thể tạo ra các tế bào và mô. Đạm động vật (thịt, cá, trứng, hải sản) có giá trị dinh dưỡng và năng lượng cao hơn so với đạm thực vật (đậu đỗ, tảo) nhưng trong quá trình chuyển hóa lại tạo ra các chất gây hại cho sức khoẻ. Đạm thực vật lành tính và có khả năng hạn chế tác động bất lợi của đạm thực vật. Vì vậy, người cao tuổi nên ăn cân bằng 2 nhóm đạm này để tránh nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như béo phì, tim mạch, gút, ung thư…
• Tăng cường uống nước, ăn rau xanh và trái cây
Nước làm chậm quá trình lão hoá tế bào trong cơ thể, đặc biệt là da. Nước còn tốt cho hoạt động của thận, giảm hiện tượng táo bón và rối loạn trao đổi chất. Tuy nhiên, người cao tuổi ít cảm thấy khát, khó nhận biết cơ thể thiếu nước. Họ cần duy trì thói quen uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày chứ không nên đợi cơ thể khát mới uống. Các loại nước tốt cho sức khỏe người già là nước lọc, nước ép trái cây, canh rau củ.
Ngoài ra, để duy trì sức khỏe, người cao tuổi cần xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý bằng cách tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc; hạn chế chất béo; bổ sung khoáng chất, vitamin cần thiết cho cơ thể. Có thể dùng thêm những sản phẩm chuyên biệt dành riêng cho người cao tuổi để bổ sung dưỡng chất cần thiết nếu bữa ăn hàng ngày không cung cấp đủ.
Bác sĩ Lưu Ngân Tâm - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Lâm sàng TP HCM khuyên: "Ở người cao tuổi, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng, không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn tăng sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh mãn tính có thể mắc phải như tim mạch, tiểu đường, mất ngủ... đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, do khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng ở người cao tuổi bị suy giảm nên cần bổ sung thêm những dưỡng chất cần thiết thông qua các thực phẩm chuyên biệt. Ví dụ như dưỡng chất Plant Sterols - chất béo chiết xuất tự nhiên từ thực vật có tác dụng giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch; hay Glucoraphanin có trong mầm bông cải xanh có tác dụng tăng đề kháng, giảm mệt mỏi, giúp ăn ngủ ngon hơn".
Nguồn: Internet, vnexpress.net
|